Nhật Bản là một trong những đất nước rất nổi tiếng với những đặc trưng văn hoá doanh nghiệp, đặc biệt với các loại văn hoá vô hình thể hiện ở thái độ, phong cách làm việc, thói quen của những người trong tổ chức. Đó cũng là một phần lý do giúp cho những doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng phát triển và có vị thế không nhỏ trên thế giới.
Dưới đây là những nét đặc trưng nhất trong văn hoá doanh nghiệp Nhật Bản:
1. Văn hóa xin lỗi – không đổ lỗi trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản
Văn hoá xin lỗi là một trong những đặc trưng nổi bật nhất của văn hóa Nhật Bản, không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống hằng ngày. Tinh thần trách nhiệm của người Nhật Bản rất cao, họ không bao giờ đổ lỗi do hoàn cảnh hay cho bất kỳ ai vì họ quan niệm rằng điều này không những không mang lại hiệu quả tốt mà còn tạo ra tâm lý cẩu thả, trốn tránh trách nhiệm.
Với người Nhật, đặc biệt là trong công việc, họ quan niệm việc xin lỗi chưa hẳn là nhận sai mà nó thể hiện sự cầu tiến, thái độ tích cực và sự trách nhiệm. Trong văn hoá doanh nghiệp Nhật Bản rất coi trọng điều này.
2. Trao và nhận danh thiếp trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản
Văn hóa Nhật Bản trong kinh doanh thể hiện rất rõ trong việc trao và nhận danh thiếp. Người Nhật quan niệm rằng việc trao đổi danh thiếp không chỉ là trao đổi thông tin, trao đổi một mảnh giấy thông thường mà nó là khởi đầu của một mối quan hệ tốt đẹp.
- Việc trao danh thiếp khi gặp mặt được xem là một nghi lễ.
- Người nhận sẽ nhận bằng 2 tay, đọc to và rõ các thông tin rồi đặt vào một chiếc hộp đựng danh thiếp.
- Không bao giờ bỏ danh thiếp vào túi áo, túi quần,….hành động này bị coi là thiếu tôn trọng, bất lịch sự.
3. Cúi đầu chào hỏi khi gặp mặt
Khác với nhiều nước phương Tây, thường bắt tay khi gặp mặt, chào hỏi thì người Nhật lại khá kiêng kị việc chạm vào cơ thể, họ sẽ thường cúi người để thể hiện sự tôn trọng thay cho các câu chào hỏi. Một số quy tắc trong việc chào hỏi của người Nhật:
- “Người cấp dưới” luôn phải chào “người cấp trên trước” ( người ít tuổi cúi chào người lớn tuổi trước).
- Đàn ông luôn được phụ nữ chào trước.
- Khi cúi chào phải giữ cho lưng thẳng, tư thế ngẩng cao đầu, thân trên hướng về phía trước còn thân dưới cũng phải theo một đường thẳng không được cong về phía sau.
- Đối với người nam, khi cúi chào, 2 tay đặt dọc thân.
- Với nữ thì 2 tay phải đặt ở vạt áo trước, bàn tay phải luôn đặt trên tay trái và mắt luôn hướng xuống khi cúi đầu.
- Cúi đầu càng lâu, càng thể hiện sự tôn trọng.
4. Luôn đúng giờ
Trong cuộc sống hằng ngày hay trong công việc, người Nhật đều rất chú trọng đến vấn đề giờ giấc. Việc sắp xếp thời gian để hoàn thành công việc hay không làm ảnh hưởng đến người khác, được người Nhật rất coi trọng.
Văn hóa đúng giờ này được thể hiện rất rõ trong công việc, là nét đặc trưng của văn hoá doanh nghiệp Nhật Bản. Nó thể hiện ở việc nhân viên không bao giờ đi muộn, không trễ deadline,… Thậm chí đối với các phương tiện công cộng của Nhật cũng không có chuyện sai lệch về thời gian.
5. Đối nhân xử thế khéo léo
Người Nhật rất khéo léo trong cách nói chuyện và rất sợ mất lòng người khác. Ngay cả trong việc khiển trách cũng có những quy tắc bất thành văn:
- Không phê bình và khiển trách những vấn đề vụn vặt, chỉ khiển trách khi có các sai lầm dẫn tới tính hệ thống hoặc có hệ quả rõ ràng.
- Khiển trách trong bầu không khí hoà nhã, tránh cãi vã và không đối đầu.
- Chấp nhận những sai lầm của người khác nhưng luôn cho họ hiểu điều đó không được phép lặp lại.
- Không xúc phạm người khác cũng không ép buộc bất kỳ ai phải đưa ra những cam kết cụ thể.
Chính vì vậy, khi tiếp xúc và làm việc tại các công ty Nhật Bản hay làm việc với người Nhật, nhiều người cảm thấy họ rất tử tế, lịch sự và kín kẽ.
6. Luôn đề cao tính tập thể
Nếu như các nước phương Tây luôn đề cao tính cá nhân, thì ngược lại, người Nhật lại coi trọng tính tập thể và luôn hướng đến sự đồng tâm hiệp lực.
Các thành viên trong công ty luôn gắn kết trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm, ít có chuyện đấu đá mà luôn nỗ lực vì một mục đích chung. Họ sẵn sàng thay đổi định kiến của mình vì tập thể và vì kết quả cuối cùng.
Các mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa đồng nghiệp với nhau rất được coi trọng và luôn dựa trên tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc.
7. Làm việc hết mình – Chơi cũng hết mình
Làm việc hết mình – Chơi hết mình là khẩu hiệu chung của người Nhật. Họ luôn hết mình với công việc, sẵn sàng làm việc với cường độ cao, áp lực lớn. Sự chăm chỉ với họ chính là chuẩn mực để tạo ra những giá trị cao hơn và hiệu quả công việc là trên hết.
Cách làm việc chuyên nghiệp này của người Nhật được cả thế giới công nhận vì sự chuyên nghiệp, nghiêm túc và chính vì luôn không ngừng nỗ lực, các doanh nghiệp Nhật bản ngày càng phát triển và vững mạnh.
Bên cạnh đó, sau những giờ làm việc hết mình, người Nhật cũng không ngại giải tỏa stress “hết mình”. Những địa điểm mà người Nhật thường tìm đến sau khi làm việc căng thẳng thường là quán bar và và quán karaoke.
8. Coi trọng về hình thức
Đặc biệt, một điểm đáng lưu ý trong văn hoá doanh nghiệp Nhật Bản là họ rất coi trọng hình thức. Lý do là vì, người Nhật Bản quan niệm việc chú ý và chăm chút hình thức bên ngoài chính là thể hiện phép lịch sự với người đối diện và thể hiện được phẩm chất con người bạn.
- Trang phục đi làm phải chỉn chu, gọn gàng, sạch sẽ.
- Phù hợp với hoàn cảnh.
- Trong một số ngành nghề đặc thù, liên quan đến giáo dục, nhiều công ty Nhật Bản còn có những hướng dẫn chi tiết chừ trang phục đến móng tay, đầu tóc, cách trang điểm,…
Trên đây là những nét đặc trưng nhất trong văn hoá doanh nghiệp Nhật Bản. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn.